Laha Coffee – Khởi đầu với xe đẩy, sai đâu sửa đó và thành quả sau 4 năm

Hoàng Việt bắt đầu nghiệp cà phê của mình với một xe đẩy vỉa hè. Cà phê lúc ngon nhiều lúc ngon ít thì  mách nước phải bán cà phê mộc thì chất lượng mới ổn định. Chất lượng ổn định rồi thì lại “vô tình” được khách bảo cà phê phải hái trái chín và chế biến mật ong mới ngon. Cứ mỗi lần được phản hồi, Hoàng Việt lên mạng tìm hiểu thông tin, rồi hoàn thiện dần sản phẩm của mình. Vừa làm vừa học, sau 4 năm, Hoàng Việt sở hữu thương hiệu Laha Coffee – liên kết trực tiếp với nông dân Lâm Hà – Lâm Đồng và nhượng quyền hơn 30 xe đẩy cà phê khắp Sài Gòn.

xưởng cà phê

Trang trại cà phê Laha

Đẩy xe đẩy đi bán cà phê sau…mấy bữa học nghề

“Năm 2012, vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, anh làm việc ở ngân hàng, được 7-8 tháng thì chán mà chưa biết phải làm gì tiếp theo. Hôm đó đi đường, thấy thằng nhóc bán cà phê nhìn cứ như bartender, vậy là anh vào xin học. Anh bảo nó mà chỉ anh là anh nghỉ làm đi bán cà phê luôn, vậy là anh nghỉ thiệt.”

Đẩy xe đứng bán vỉa hè một thời gian, nhận thấy chất lượng không ổn định dẫn tới mất khách. Lúc đó, anh được mách nước là phải bán cà phê nguyên chất. Vậy là tranh thủ buổi chiều không đi bán cà phê, anh lên mạng tìm hiểu quy trình sản xuất. Nghĩ đến việc quê nhà ở Lâm Hà cũng trồng loại cây này, anh xin mẹ một bao cà phê nhân rồi đem xuống Thủ Đức gia công. Rồi từ đó anh bán cà phê nguyên chất, mở thêm được một xe đẩy nữa.

Xem thêm  Bánh ép huế bao nhiêu calo? Ăn nhiều mập không?

“Phải hái trái chín và chế biến honey thì cà phê mới ngon được.” 

Một khách hàng ghé xe đẩy của anh, uống cà phê xong thì bảo “Em phải hái trái chín và chế biến honey thì cà phê mới ngon được”. Việt nghe lạ lắm. Vậy là anh lên mạng nghiên cứu và lúc đó anh mới mường tượng được tiềm năng của việc chế biến cà phê theo kiểu mật ong. Để làm được điều này, anh phải làm chuẩn ngay từ nông trại. Vậy là nghĩ tới quê mình ở Lâm Hà.

Cà phê trái chín

Thu hoạch khi cà phê chín mọng là một trong những yếu tố khiến cà phê ngon.

Về quê, anh thuyết phục gia đình hàng xóm nhưng chỉ có cậu anh là đồng ý. Mùa đầu tiên, hai cậu cháu lên Trạm Hành – Cầu Đất để mua máy tách vỏ cà phê tươi. Mùa này anh thu được 5 tấn nhưng…không biết bán cho ai ngoài…mấy chiếc xe đẩy vỉa hè của mình. Đăng vu vơ lên Facebook thì được một nhà sản xuất nổi tiếng trong ngành mua hết lại. Lúc bấy giờ anh mới biết là có một cộng đồng những người làm cà phê chuẩn từ nông trại như vậy. Đấy là thời điểm năm 2013.

Nhờ thành quả mùa đầu, nhiều người tin tưởng anh hơn. Vậy là đến mùa sau, anh hướng dẫn bà con trong xóm canh tác đúng kỹ thuật, chỉ thu hoạch trái chín. Thương hiệu Laha Coffee – Cà phê liên kết trực tiếp với nông hộ ở Lâm Hà ra đời.

Xem thêm  TOP 5 địa chỉ bán Tôm Hùm Alaska tươi sống tại Tp. HCM

Nông dân Lâm Hà

Những người nông dân liên kết với Laha Coffee

Laha Espresso Station với nguồn cà phê từ nông trại khắp Sài Gòn

Năm 2016, khi sản xuất dần ổn định, anh  phát triển mô hình nhượng quyền những xe đẩy với cà phê từ những nông trại ở Lâm Hà. Dựa trên hình mẫu của mình 4 năm về trước, anh đưa khiến mọi người tò mò với thông điệp trên mỗi chiếc xe đẩy của mình. “Bạn đã chán việc chưa?”

15203262_1342043469161867_7830976270697023935_n

Anh Việt bên xe đẩy vỉa hè của mình.

Khi đầu tư một Laha Espresso Station, chủ xe sẽ chia sẻ những bí quyết để kinh doanh thực tế để một xe đẩy take-away 4h mỗi sáng mà thu nhập ổn định. Đó là hỗ trợ tìm mặt bằng thuận lợi với giá tốt nhất – như ở các quán nhậu – chưa khai thác buổi sáng. Đó là hướng dẫn kiến thức cà phê từ ngọn ngành, chứ không phải chỉ biết pha cà phê. Đó là Laha sẽ mua lại xe đẩy khi chủ xe kinh doanh thua lỗ, để mọi người hạn chế rủi ro. Đổi lại, chủ nhân những xe đẩy sẽ sử dụng cà phê từ Laha Coffee.

Laha Coffee

Xe đẩy cà phê Laha

Hiện tại Laha Coffee đã có mặt ở một số điểm như Ngã 4 Hàng Xanh, Công viên Hoàng Văn Thụ, Đường Phạm Văn Đồng – Thủ Đức… Kết thúc buổi phỏng vấn tôi hỏi vậy có ai trả xe lại cho anh chưa, anh bảo có. Vì họ lấy cà phê bên ngoài – giá rẻ nhưng chất lượng không được ổn định rồi bị mất khách.

Xem thêm  Cửa hàng cà phê Số 22: tìm về chốn xưa

Kết: Hôm nọ tôi đọc được bài viết của anh Bút Chì (Founder Tổ hợp giáo dục sáng tạo Toa Tàu) về cuộc trò chuyện của anh ấy với 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành nhân học. Cả 2 đều là người Mỹ và đang thực hiện một dự án về giáo dục và phát triển. Dù chưa có một con số thống kê chính thức, nhưng họ thấy rất nhiều người Việt Nam sẵn sàng bỏ ngang một công việc ổn định – ngày làm tám tiếng để chọn một công việc yêu thích hơn. Người Mỹ không làm vậy. Người Nhật hoặc người Trung Quốc cũng không làm vậy. Rồi tôi liên tưởng tới bản thân và những người xung quanh mình – hình như cũng vậy. Chính bản thân tôi cũng vừa hoàn thành gap-year ở tuổi 25. Có thể điều kiện ở Việt Nam thuận lợi để từ bỏ cái cũ và thử cái mới chăng? Tôi không biết nữa. Bản thân tôi làm mọi thứ theo bản năng và lì lợm theo cách của mình.

Quay trở lại chuyện của anh Hoàng Việt và Laha Coffee – bên cạnh việc có thể giới thiêu cho bạn về một thương hiệu cà phê sạch – tôi cũng muốn kể về một cơ hội kinh doanh không tốn quá nhiều vốn. Tôi cũng ghét cách truyền thông rằng ai đó bỏ việc/bỏ lương ngàn đô để khởi nghiệp. Bởi điều quan trọng mà ít ai nói đến, đó là việc họ dám và kiên trì với nó. Và cuối cùng, bạn đã chán việc chưa?

Kỳ Kỳ, 

× sticky
Hotline
Messenger
Telegram
button