Thất phủ cổ miếu hay còn gọi là Chùa Ông Cù Lao Phố -Là cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của người Hoa trên vùng đất Nam bộ được khai tạo từ năm 1684. Hơn 300 năm qua, chùa Ông đã trở thành nơi lưu giữ và bảo tồn 2 nền văn hoá Việt – Hoa và là điểm đến tâm linh không thể thiếu của nhiều người dân Biên Hòa và các khu vực lân cận.
Đặc biệt, vào dịp lễ tết thì đây là địa điểm chụp ảnh cổ xưa đẹp bậc nhất Biên Hòa dành cho các chị em muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp của thanh xuân với những tà áo dài truyền thống, hoặc những cặp đôi thích có một cuốn album ảnh cưới thật lãng mạn theo phong cách xưa,…
Đôi nét về lịch sử Chùa Ông
Chùa Ông được xem là ngôi chùa của người Hoa đầu tiên ở xứ Nam Bộ là vì chùa được tạo dựng sau 6 năm – ngày tướng quân Trần Thượng Xuyên dẫn đoàn người Hoa đến Đại Việt xin thuần phục.
Vào năm 1679, sau khi được chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận, tướng quân Trần Thượng Xuyên đã dẫn theo 3.000 quân thân tín, cùng với gia quyến tiến vào Bàn Lân (nay thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để lập nghiệp.
Trần Thượng Xuyên đã kết hợp với cộng đồng người Việt đến vùng đất này trước đó, khai khẩn, mở mang đất đai và tạo lập Nông Nại Đại Phố – một thương cảng đô hội, phồn thịnh bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ.
Sau 6 năm an cư trên đất Việt, tướng quân Trần Thượng Xuyên đã cùng cộng đồng người Hoa tạo dựng nên cơ sở tín ngưỡng Thất phủ cổ miếu.
Được biết, Thất phủ cổ miếu này do bảy phủ người Hoa đóng góp để tạo dựng, bao gồm: Phúc Châu, Chương Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba.
Thất phủ cổ miếu là cơ sở văn hoá đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai nói riêng và cả khu vực Nam bộ nói chung.
Ngôi chùa này là nhân chứng đánh dấu cột mốc lịch sử về thời kỳ khẩn hoang, lập nghiệp và cùng bảo vệ, phát triển vùng đất phương Nam của cộng đồng người Hoa.
Hơn 300 năm hiện hữu, Thất phủ cổ miếu trở thành địa điểm giao lưu của hai nền văn hóa Việt – Hoa trên vùng đất Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Chùa có quy mô kiến trúc “tứ hợp viện” theo truyền thống chùa chiền Trung Hoa, với các thành tố chính: tiền điện, phương đình và chính điện. Kiến trúc và sự bài trí ở đây thể hiện được trình độ kĩ thuật điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân dân gian của người Việt và người Hoa.
Đặc biệt, các đề tài trang trí như rồng chầu mặt trời, tứ linh, hoa điểu, cửu long, bát tiên, bách suốt, múa hát cung đình, rồng – mây, phù dung – phụng, dây hoa lá, sóng nước… được điêu khắc rất tinh vi, sắc sảo, toát lên vẻ đẹp điển hình của nghệ thuật dân tộc Trung Hoa.
Ngoài ra, đây cũng là nơi giao thoa văn hoá đất Việt, khi lưu giữ những thành tựu nghệ thuật của các nghệ nhận thuộc làng nghề chạm khắc đá Bửu Long ngày xưa. Trong đó, những di vật bằng đá granit vẫn trường tồn đến tận ngày nay.
Những nét đẹp nổi tiếng của Chùa Ông
Chùa Ông nằm trong hẻm cạnh bờ sông, xe máy hay ô tô có thể đến tận nơi, riêng xe lớn thì đỗ ở xa hơn một tí và đi bộ khoảng 5 phút. Chùa rất sạch sẽ và trang nghiêm, vị trí hướng ra sông Đồng Nai nên rất mát mẻ, vào cúng ông xong có thể ra ven sông ngồi thư giãn.
Chùa Ông không những nổi tiếng về thiết kế đẹp mà còn là địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng về sự linh ứng, hầu như ai ai đến đây cũng cảm thấy nhẹ lòng như trút đi được những áp lực, phiền muộn trong cuộc sống.
Ở trước chùa là cây đại thụ to xum xuê được du khách ấn tượng đầu tiên, đây cũng là khung cảnh để có những bức hình đẹp khi tới chùa.
Khá nhiều cặp đôi lựa chọn chùa Ông làm nơi chụp ảnh cưới rất lãng mạn và ấm cúng:
Các cô gái trẻ cũng đam mê bộ ảnh áo dài truyền thống duyên dáng ở ngôi chùa cổ này:
Qua bài viết trên về Chùa Ông chắc hẳn bạn cũng phần nào hình dung được những cảnh đẹp ở Chùa Ông mà hiếm chùa nào có được. Nếu bạn có dự định tham quan chùa, hay muốn có bộ sưu tập ảnh lưu giữ tuổi xuân của mình bên tà áo dài thướt tha thì có thể lên kế hoạch và đến Chùa theo địa chỉ này nhé: Chùa Ông – 48 Đặng Đại Độ, Hiệp Hoà, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam.